Phát triển doanh nghiệp cỡ vừa tại địa phương

Ông Lâm là chủ của một doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa thành công ở Việt Nam. Vừa qua ông đã đầu tư thêm 2 máy mới và có kế hoạch thuê thêm lượng nhân công từ 20 lên 30 trong năm nay.

Tuy nhiên, để có được những thành công như hiện nay, ông Lâm đã phải trải qua nhiều khó khăn trong những bước đầu xây dựng doanh nghiệp.

Ông Lâm là người dân huyện Hoài Đức, một khu vực đang có những thay đổi từng ngày. Khi thành phố qui hoạch đô thị lõi mở rộng hầu hết đất nông nghiệp được thu hồi phục vụ cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và doanh nghiệp.

Ông Lâm trước đây từng bỏ địa phương mình để ra ngoài lập nghiệp nhưng ông đã quay trở lại khi lãnh đạo địa phương có chính sách kêu gọi các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh ở địa phương để tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây.

Thành lập doanh nghiệp vào năm 2010, trong những năm đầu, ông Lâm phát triển kinh doanh dựa vào kinh nghiệm vốn có của bản thân. Như các chủ doanh nghiệp ở cùng khu vực thời điểm đó, sau lớp giáo dục phổ thông cơ bản, ông không tham gia bất kì lớp học kinh doanh nào khác nữa. Và dù làm việc rất vất vả cả ngày lẫn đêm nhưng đơn hàng của doanh nghiệp vẫn hạn chế và kinh doanh không mấy phát triển.

Năm 2012 ông Lâm trò chuyện với một người bạn cũng là một chủ doanh nghiệp trong khu vực. Bạn ông đã chia sẻ về việc mình tham gia khóa tập huấn kinh doanh của tổ chức YWAM Mercy Việt Nam và những kiến thức được học giúp doanh nghiệp của bạn ông thay đổi như thế nào.

Tò mò về tư duy và phương pháp bài bản chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp, theo lời khuyên của bạn, ông Lâm đã đăng kí tham gia chuyên đề thứ tư trong chương trình Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của tổ chức YWAM Mercy Việt Nam năm đó.

Tham gia khóa tập huấn, ông đã học được nhiều công cụ quản trị hiệu quả giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình. Ông đã hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng các chiến lược kinh doanh, lập kế hoạch dài hạn và những lợi ích của việc cập nhật công nghệ thông tin thường xuyên.

Các kiến thức về cơ cấu tổ chức công ty, kỹ thuật giao tiếp hiệu quả và cách tổ chức xếp nơi làm việc an toàn cũng đã được ông Lâm áp dụng. Những cải tiến này đã đem lại nhiều lợi ích và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho công nhân viên khi triển khai công việc.

Năm 2014, Ông Lâm đã xây một cơ sở sản xuất kinh doanh mới và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để đáp ứng đơn hàng và tăng hiệu quả hoạt động sản xuất. Năm 2015, doanh nghiệp đã nâng cấp 2 máy, và hiện đang nâng cấp thêm 2 máy nữa, và sẽ được lắp đặt vào cuối năm 2016.

Những thay đổi này đã giúp doanh nghiệp tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện mức thu nhập cho công nhân viên. Ông Lâm hiện đã tự tin hơn nhiều trong việc điều hành doanh nghiệp và tương tác, trao đổi với nhân viên. Công việc cũng dần được phân trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên quản lý cấp trung, giúp ông có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân và gia đình.

Việc kiểm soát tốt thời gian và khối lượng công việc giúp ông giảm bớt căng thẳng, áp lực và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Doanh nghiệp ông Lâm những năm gần đây đã và đang giúp đỡ nhiều trẻ em nghèo địa phương thêm cơ hội đến trường.

Ông Lâm cũng đang tích cực chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức đã được học cho nhiều chủ doanh nghiệp địa phương để cùng phát triển.

Bằng việc trang bị những kiến thức và kỹ năng bài bản về quản trị doanh nghiệp cho ông Lâm và những chủ doanh nghiệp khác trong khu vực Hoài Đức, YWAM Mercy Việt Nam góp phần mang lại những thay đổi bền vững cho huyện Hoài Đức. Người dân trong khu vực này cũng có nhiều cơ hội việc làm từ những doanh nghiệp này và công việc nhà nông không còn là lựa chọn duy nhất để phát triển kinh tế.

 

Ảnh: Sharing Dots

Leave a Comment